Ngôn ngữ: Tiếng ViệtTiếng Anh

  • Nền trang con

Thép nội chịu áp lực do thừa công suất và nhập khẩu

Cập nhật: 25-05-2018 04:39:54 | Tin tức | Lượt xem: 2092

(Dân trí) - Năm 2010, áp lực cạnh tranh từ thép nhập khẩu đối với ngành thép ngày càng tăng do Việt Nam giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết gia nhập WTO. Chưa hết, các doanh nghiệp ngành thép sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt do thừa công suất.

Bước vào năm 2009, cùng với những khó khăn của nền kinh tế, tiêu thụ thép xây dựng trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Giá thép xây dựng giảm mạnh, thậm chí thấp hơn cả giá thành. Hầu hết các doanh nghiệp đều lỗ, một số doanh nghiệp phải dùng biện pháp sản xuất gián đoạn hoặc ngừng sản xuất hàng tháng để cầm chừng, tồn tại
 
Đồng thời, lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao do các nước trong khu vực dư thừa thép đã tìm cách xuất sang Việt Nam nên các đơn vị trong nước càng khó khăn hơn.
 
Trước tình hình đó, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành thép được Chính phủ và các ngành chức năng áp dụng một số giải pháp, như tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 5% lên 8%; thuế nhập khẩu thép xây dựng thành phẩm từ 12% lên 15%... các ngân hàng cũng cho giãn nợ, giữ ổn định tỷ giá VND/USD…
 
Và điều quan trọng là ngành thép sẽ khó lòng vượt qua cơn khủng hoảng trầm trọng nếu không có gói kích thích kinh tế của Chính phủ được thực hiện hiệu quả trong năm 2009, triển khai nhiều dự án xây dựng hạ tầng xã hội có nhu cầu lớn về thép để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất.
 
Đáng chú ý, trong những tháng cuối năm 2009, tiêu thụ thép sản xuất trong nước tăng mạnh, có lúc tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Với nỗ lực của các DN và chính sách hợp lý của Chính phủ, ngành thép đã khởi sắc. Kết thúc năm 2009, ước SX toàn ngành đã tăng gần 25%, tiêu thụ tăng 30% so với năm trước.
 
Hầu hết các công ty trong Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đều duy trì được mức tăng trưởng cao so với năm 2008. Các công trình đầu tư vẫn được khiển khai ở nhiều công ty trong VSA như VnSteel, Thép Việt, Hòa Phát, Việt Ý…
 
Mặc dù đã có được những tăng trưởng đáng kể trong năm 2009, tuy nhiên, bước sang năm 2010, dự báo ngành thép sẽ phải đương đầu với một số khó khăn mới, khi giá các nguyên liệu cơ bản như quặng sắt, than, phôi thép, thép phế, điện năng và một số loại nguyên liệu khác chắc chắn sẽ cao hơn so với năm 2009.
 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành thép sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt do dư thừa công suất, trong khi vẫn có nhiều dự án thép được đầu tư xây dựng.
 
Theo cam kết gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới ( WTO), từ năm 2010, một số sản phẩm thép sẽ không còn được hưởng ưu đãi và bảo hộ cao về thuế nhập khẩu. Như vậy, áp lực cạnh tranh từ thép nhập khẩu sẽ ngày càng tăng.
 
Tại buổi họp tổng kết ngành năm 2009, Tổng giám đốc tổng công ty thép Việt Nam (VNSteel) Đậu Văn Hùng cho biết, năm 2010, VNSteel sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung đề nghị điều chỉnh lại Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam phù hợp với xu thế hiện nay.
 
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường, thách thức lớn nhất của ngành Thép hiện nay là "vừa thừa vừa thiếu". Hiện lượng thép cán xây dựng, thép cuộn cán nguội sản lượng cao hơn nhiều so với lượng tiêu thụ. Trong khi đó, thép cán nóng, thép chế tạo, các loại thép không gỉ phần lớn vẫn phải nhập khẩu.
 
Đây chính là vấn đề mà các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cần phải tính đến, trong đó nên hướng tới việc liên kết đầu tư để sớm sản xuất ra các sản phẩm thép mà hiện nay chúng ta đang nhập khẩu. Dự kiến, năm 2010, tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ của ngành Thép dự kiến ở mức 10 - 15%.
 

Video nổi bật

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ Công ty TNHH Ống thép Việt Nam (VINAPIPE) - Designed by VinaWeb